Xe bồn vận chuyển sản phẩm xăng dầu phân phối ra thị trường - Ảnh: TỰ TRUNG
70%
là thị phần trong tay PVOil và Petrolimex, 27 nhà phân phối còn lại chia nhau 30% thị phần.
Kể từ lần đầu tiên khi xuất hiện tại Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội, với phong cách "cúi chào kiểu Nhật" khi bán xăng vào ngày 5-10-2017, đến nay IQ8 đã mở được 4 cửa hàng xăng dầu.
Thêm lựa chọn cho khách hàng
Với các cửa hàng tại Hà Nội và Hưng Yên, Hải Phòng, IQ8 là nhà cung ứng, bán lẻ xăng dầu cung cấp thẻ xăng dầu trả trước đầu tiên tại Việt Nam.
Là kết quả liên doanh giữa Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Kuwait Petroleum Europe B.V, IQ8 trở thành đại lý chính thức của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (PVOil), trở thành cửa hàng xăng dầu đầu tiên có 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam. IQ8 hiện cũng đang nắm giữ 35,1% vốn tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Thị trường xăng dầu trở nên sôi động hơn với sự góp mặt của IQ8, khi mà với trạm xăng dầu "chuẩn Nhật - chuẩn châu Âu", IQ8 tuyên bố bán xăng chuẩn đến 0,001 lít. Hệ thống cửa hàng xăng dầu của IQ8 cung cấp báo cáo các chi tiết giao dịch cho khách hàng tránh tình trạng gian lận, hệ thống phần mềm quản lý tự động, thanh toán bằng thẻ.
Bước vào thị trường xăng dầu khi nhiều ông lớn trong nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PVOil... chiếm thị phần lớn với các vị trí đắc địa trên thị trường, IQ8 lựa chọn các địa điểm kinh doanh vùng ven nhưng có nhiều lợi thế là các khu công nghiệp, với lượng khách hàng công nghiệp chiếm tỉ lệ lớn. DN này đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ mở thêm 10 cây xăng, tập trung ở miền Bắc.
Sôi động vốn ngoại
Thị trường bán lẻ xăng dầu có quy mô 6 tỉ USD đã trở thành miếng bánh hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. Bởi vậy, dù không mở cây xăng như IQ8, không ít nhà đầu tư ngoại nhắm đến việc mua cổ phần của các DN xăng dầu trên thị trường. Trong đó, JX Nippon Oil & Energy (JX) đã rót tiền nắm giữ 8% cổ phần của "ông lớn" Petrolimex. Petrolimex hiện tiếp tục kiến nghị được nới room ngoại lên 49%.
Ông Cao Hoài Dương (tổng giám đốc PVOil):
"Tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu rất thấp"
Ngoài bán hàng cho các tổng đại lý, DN đầu mối còn bán cho các khách hàng công nghiệp như điện, than, đường sắt, vận tải, DN... Cái này phải tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó là kênh bán lẻ trực tiếp, nên phải siết chi phí mới có lợi nhuận.
Với PVOil, tỉ trọng bán lẻ 25%, khách hàng công nghiệp 25%, còn hơn nửa bán cho tổng đại lý nên mức chạy đua chiết khấu có lúc lên tới gần 3.000 đồng thì lỗ khủng khiếp.
Do đó, nếu bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng thì phải thả nổi thị trường xăng dầu, để DN tự quyết giá, tự quyết định lợi nhuận, nếu cao quá thì không thể bán được hàng. Có nghĩa là Nhà nước không can thiệp.
Còn nếu Nhà nước vẫn duy trì công thức tính giá thì phải tính chi phí, lợi nhuận cho DN. Theo quy định, mỗi năm hai lần cơ quan kiểm toán sẽ kiểm toán chi phí DN, để trên cơ sở đó điều chỉnh lại công thức giá cho phù hợp với điều kiện thực tế thị trường.
Thực tế chi phí kinh doanh, giá cả đều tăng nhưng nhiều năm nay chi phí và lợi nhuận định mức xăng dầu đều không thay đổi, tỉ suất lợi nhuận của DN xăng dầu rất thấp, chỉ là 1,6%.
NGỌC AN
Chuyên gia trong ngành xăng dầu:
Không nên chỉ người tiêu dùng đóng quỹ bình ổn
Trường hợp giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cần có sự công bằng giữa Nhà nước - DN và người tiêu dùng, với mỗi bên là 100 đồng/lít thay vì chỉ người tiêu dùng đóng góp 300 đồng/lít xăng dầu.
Tần suất điều chỉnh giá nên giảm còn 10 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Thị trường xăng dầu thế giới biến đổi từng ngày. Nếu vẫn giữ tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày khiến việc điều hành giá của DN và giám sát của cơ quan quản lý thiếu sự chủ động, linh hoạt, luôn chậm hơn thị trường.
L.THANH (ghi)