Cô bé Greta Thunberg 16 tuổi với tấm bìa cứng kêu gọi ngăn chặn biến đổi khí hậu - Ảnh: Mårten Thorslund
Cô bé 16 tuổi chống biến đổi khí hậu
Cứ mỗi thứ Sáu, một cô bé với gương mặt thánh thiện cầm một tấm bìa cứng ngồi khoanh chân trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển ở thủ đô Stockholm. Cô bé ấy là Greta Thunberg.
Tháng 8-2018, Greta Thunberg đã khởi động phong trào "Thứ Sáu vì tương lai" với lời kêu gọi học sinh tham gia chống biến đổi khí hậu.
Đến tháng 9-2019, phong trào đã lôi cuốn hàng triệu thanh thiếu niên trên thế giới xuống đường trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở New York (Mỹ).
Những ngày này, Greta đang có mặt ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha nơi đang diễn ra Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25).
Người phát pháo cho quá trình luận tội
Mùa hè năm 2019, một sĩ quan CIA từng làm việc trong Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Donald Trump điện đàm đề nghị phía Ukraine điều tra đối thủ chính trị của Trump.
Sĩ quan CIA này không trực tiếp nghe nội dung điện đàm nhưng thu thập lời khai từ một số quan chức có thẩm quyền.
Báo cáo của sĩ quan CIA ban đầu bị cấp trên ngăn chặn và tháng 9-2019 mới đến Quốc hội. Các nghị sĩ đảng Dân chủ quyết định điều tra để khởi động quá trình luận tội tổng thống. Tổng thống Trump khẳng định ông là nạn nhân âm mưu chính trị.
Sinh viên đặc khu Hong Kong
Từ tháng 6-2019, biểu tình chống dự luật dẫn độ ở đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) đã chuyển sang bước ngoặt mới. Biểu tình xảy ra gần như hàng ngày.
Các vụ đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình ngày càng bạo lực hơn. Rất khó phác thảo chính xác chân dung sinh viên biểu tình tuyến đầu.
Họ ở độ tuổi dưới 30, nhiều người có thể đã tốt nghiệp đại học và 1/3 là nữ theo thống kế số người bị bắt và bị thương. Theo AFP, đã có hơn 6.000 người biểu tình bị bắt, trong đó gần 1.000 người bị truy tố.
Nhiều người trẻ Hong Kong sau này khi tham gia biểu tình đã chọn cách dùng mặt nạ hoặc đeo khẩu trang - Ảnh: REUTERS
Juan Guaido - người quấy đảo chính trường Venezuela
Ngày 23-1-2019, chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, mới 36 tuổi, tự xưng làm Tổng thống lâm thời sau khi các nghị sĩ đánh giá Tổng thống Nicolas Maduro cầm quyền là "bất hợp pháp".
Ngày 17-9, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã phê chuẩn Tổng thống lâm thời Juan Guaido cho đến khi tổ chức bầu cử mới.
Chính phủ Venezuela và các đảng đối lập vẫn đang xúc tiến đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
Biểu tượng bảo vệ nữ quyền Sudan
Ngày 11-4-2019, quân đội Sudan lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir do sức ép phong trào biểu tình kéo dài 16 tuần. Một trong những biểu tượng của phong trào là cô sinh viên Alaa Salah, 22 tuổi với hình ảnh cô khoác áo choàng trắng đứng trên mui xe kêu gọi đám đông bất chấp bị đe dọa mạng sống.
Alaa Salah còn là biểu tượng đấu tranh cho nữ quyền. Tháng 10-2019, cô đã tố cáo trước Liên Hiệp Quốc thái độ phân biệt đối xử với phụ nữ và các vấn đề bất bình đẳng tích tụ sau nhiều thập niên xung đột và bạo lực ở Sudan.
Cuối tháng 11 vừa qua, đạo luật về trật tự công cộng mang tính chất cấm đoán và trừng phạt phụ nữ đã được chính phủ Sudan hủy bỏ.
Tấm ảnh đầy nữ tính nhưng cũng đầy mạnh mẽ của Alaa Salah tại Sudan đã lan tỏa trên mạng xã hội - Ảnh: REUTERS
Thiên thần hộ mệnh cho Nhà thờ Đức bà Paris
Cô nhân viên cứu hỏa Myriam Chudzinski.,27 tuổi là gương mặt tiêu biểu trong vụ giải cứu Nhà thờ Đức bà Paris bị hỏa hoạn nghiêm trọng vào tháng 4-2019.
Trong 600 nhân viên cứu hỏa được điều động, hạ sĩ nhất Myriam thuộc đội đầu tiên đến hiện trường. Cô nhớ lại: "Đây là lần tác nghiệp nhớ đời của tôi".
Tháp chuông nhà thờ bị sập nhưng Nhà thờ Đức bà Paris còn đứng vững vì lực lượng cứu hỏa đã nỗ lực bảo vệ cấu trúc bằng gỗ của hai tòa tháp mặt tiền.
Nữ thuyền trưởng liều mạng cứu người
Tháng 6-2019, nữ thuyền trưởng Đức Carola Rackete 31 tuổi điều khiển tàu cứu trợ nhân đạo Sea-Watch 3 chở 43 người di cư cập đảo Lampedusa bất chấp lệnh cấm của Ý.
Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini điên tiết chụp mũ Carola Rackete là "tội phạm có hành động chiến tranh". Cô bị bắt, sau đó bị trục xuất và đang bị truy tố vì tội giúp đỡ người nhập cư trái phép.
Sau nhiều năm nghiên cứu khoa học, nhà sinh thái học này tham gia tổ chức Greenpeace và tổ chức Khảo sát Nam cực Anh. Năm 2016, lần đầu tiên cô tham gia công tác cứu nạn trên biển của tổ chức Sea-Watch (Đức). Hiện nay, cô dành thời gian bảo vệ môi trường.
Katie Bouman-người lập hình ảnh lỗ đen
Nhà nghiên cứu trẻ Katie Bouman 30 tuổi trở thành người nổi tiếng với vai trò tạo hình ảnh lỗ đen đầu tiên. Hình ảnh đã được dự án Event Horizon Telescope (EHT) công bố ngày 10-4-2019.
Lúc đó cô là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge (Mỹ).
Năm 2017, dự án EHT thực hiện quan sát đồng thời hai lỗ đen bằng tám kính viễn vọng vô tuyến phân bố trên trái đất.
Katie Bouman phụ trách phát triển thuật toán để chuyển đống dữ liệu đồ sộ thành một hình ảnh duy nhất.
Hình ảnh lỗ đen là một hình đĩa màu đen có quầng sáng màu cam hơi mờ. Cô hiện là giáo sư thuộc khoa khoa học máy tính tại Đại học Caltech ở Los Angeles (Mỹ).
Nhà nghiên cứu trẻ Katie Bouman 30 tuổi đã tạo ra hình ảnh lỗ đen đầu tiên - Ảnh: Facebook
Khoảnh khắc này là một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất đời tôi
Người lập hình ảnh lỗ đen Katie Bouman
Một ca khúc thay đổi cuộc đời
Một năm trước, Montero Hill bỏ học đại học ở Georgia (Mỹ), không việc làm, không xe hơi và thậm chí không có giấy phép lái xe. Và rồi chỉ cần một ca khúc Old Town Road với nghệ danh Lil Nas X, anh đã trở thành triệu phú.
Bài hát trải qua 19 tuần liên tiếp (từ tháng 4 đến tháng 8-2019) đứng đầu doanh thu kỷ lục tại Mỹ. Ngoài hào quang của Old Town Road, Lil Nas X còn quyến rũ với tính cách hài hước, không ngần ngại mặc trang phục truyền thống và sẵn sàng tiết lộ mình là người đồng tính.