Chưa duyệt sách giáo khoa tiếng Anh mới vì thiếu 'tổng chủ biên' người Việt?

09:27:2109/12/2019
TTO - Trong số các bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ bản mẫu của NXB Giáo Dục Việt Nam là có tổng chủ biên người Việt.
Chưa duyệt sách giáo khoa tiếng Anh mới vì thiếu tổng chủ biên người Việt? - Ảnh 1.

Một số mẫu sách đã được phê duyệt, trong đó chưa có sách tiếng Anh - Ảnh: V.H.

Bộ GD-ĐT giải thích chưa phê duyệt sách giáo khoa tiếng Anh do đây là môn tự chọn ở lớp 1. Tuy nhiên, nếu không giải quyết sớm những lấn cấn về quy trình chọn sách, sẽ không kịp để các địa phương chọn sách giáo khoa (SGK) chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng sự chậm trễ này đến từ đâu?

Hầu hết do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn

Trong số các bản mẫu SGK tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ bản mẫu SGK của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" - 1 trong 4 bộ SGK của NXB Giáo Dục Việt Nam - là có tổng chủ biên người Việt Nam. 

GS.TS Hoàng Văn Vân, trong hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã qua thẩm định của NXB Giáo Dục Việt Nam, đã khẳng định đội ngũ soạn thảo SGK môn tiếng Anh của đơn vị này bao gồm các tác giả là người Việt Nam và nước ngoài.

Với thế mạnh từng biên soạn SGK tiếng Anh cho Bộ GD-ĐT trong chương trình hiện hành nên họ thuận lợi khi chuyển sang biên soạn SGK cho chương trình mới. Tuy nhiên, bản SGK tiếng Anh do GS Vân làm tổng chủ biên cũng bị "ách" lại cùng tất cả các bản mẫu SGK của đơn vị khác để công bố đợt khác.

Bản mẫu SGK tiếng Anh trong bộ SGK "Chân trời sáng tạo" cũng của NXB Giáo Dục Việt Nam lại chính là cuốn "Family and Friends (National Edition), "Student book" của tác giả Naomi Simmons, NXB ĐH Oxford, Anh. 

Không triển khai quy trình biên soạn như cuốn SGK của bộ "Cùng học để phát triển năng lực", mà nhóm này đã mua bản quyền sách nước ngoài. Thậm chí, cuốn sách này đã được phát hành rộng rãi ở Việt Nam 10 năm nay. 

Tương tự SGK tiếng Anh khác của các bộ SGK đăng ký thẩm định đợt vừa qua cũng vướng việc "không có tổng chủ biên là người Việt Nam". Trên thực tế, hầu hết các SGK tiếng Anh thẩm định đợt vừa qua do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn.

Câu chuyện "nhập khẩu SGK" các nước tiên tiến để kế thừa những ưu việt và giảm tốn kém, lãng phí từng được các chuyên gia đặt ra trong nhiều cuộc bàn thảo về biên soạn SGK. Nhưng vẫn có những luồng ý kiến cho rằng không thể nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên, theo một thành viên soạn thảo SGK thì môn tiếng Anh có thể nhập khẩu miễn là phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có thể nói, nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài được sử dụng trong dạy học tiếng Anh ở nước ta khá tốt, phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, việc biến sách nhập khẩu thành SGK hay không phải có quy định cụ thể, rõ ràng, đúng pháp luật. Bởi quy trình biên soạn, xuất bản SGK với quy trình nhập sách, mua bản quyền nước ngoài là rất khác nhau.

Cấy tên tác giả Việt Nam được không?

Theo quy định tại khoản 1, điều 5, thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Theo đó, nếu sử dụng SGK của nước ngoài làm SGK của Việt Nam thì cần có quy định, tiêu chuẩn riêng. Việc nhập khẩu SGK tiếng Anh không chỉ khác biệt với quy trình biên soạn, thực nghiệm với SGK môn học khác mà còn vướng ở các thủ tục pháp lý khác. Sách nhập khẩu cũng phải cụ thể hóa được nội dung, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể nhập "nguyên con".

Theo đại diện một số đơn vị biên soạn thì đối với các SGK nhập khẩu, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên SGK là người Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2019 để duyệt bổ sung.

Nhưng việc này không dễ làm. Vì SGK nhập khẩu có bản quyền tác giả. Việc tùy ý thêm tên tác giả người Việt Nam để "hợp thức" sẽ lại va chạm với các quy định khác. Mặt khác nếu điều chỉnh nội dung SGK, bổ sung thêm phần của tác giả Việt Nam thì cấu trúc SGK sẽ xô lệch, khó có thể điều chỉnh trong một thời gian ngắn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở Hà Nội cho biết Hà Nội là địa phương dạy tăng cường tiếng Anh và sử dụng tài liệu dạy học của nước ngoài nhiều nên thấy thuận tiện. Những tài liệu của các đơn vị có uy tín từng triển khai vào các nhà trường đều có nội dung tốt. 

Tuy nhiên, nếu là SGK cho nhiều địa phương, nhiều đối tượng học sinh khác nhau cũng cần xem xét lại vì học sinh các vùng khó khăn, nông thôn chưa chắc đã thích hợp.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nhung - chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Anh cấp tiểu học, thì hội đồng chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn còn những vấn đề liên quan là trách nhiệm của đơn vị tổ chức thẩm định. Có nghĩa nội dung SGK được hội đồng đánh giá đạt, còn các yếu tố pháp lý liên quan tới quy trình biên soạn là việc của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, chưa có sách Tiếng Anh Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, chưa có sách Tiếng Anh

TTO - Chiều nay 22-11, Bộ GD-ĐT họp báo công bố chính thức quyết định phê duyệt sách giáo khoa với 32 sách giáo khoa của 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt. Riêng SGK môn Tiếng Anh chưa được phê duyệt.